Đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước trước dịch bệnh CoVid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 đã đang và sẽ còn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước bước đầu cho thấy dấu hiệu hụt hơi vì COVID-19 khi nguồn nguyên vật liệu bắt đầu khan hiếm, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bị đình trệ.

Ngăn chặn “đại dịch” là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhưng cũng cần lắm những kế hoạch để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trước trong và sau dịch COVID-19. 

Thanh long Bình Thuận hạ giá bán tại vỉa hè ven đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Thanh long Bình Thuận hạ giá bán tại vỉa hè ven đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM - Ảnh: Tuổi trẻ

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người nhiễm mới cũng như tử vong trên thế giới vẫn không ngừng tăng mỗi ngày. Những thiệt hại mà Covid 19 gây ra cho Trung Quốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hết sức rõ ràng. Sự đình trệ của nền kinh tế số 2 thế giới ngay lập tức gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, nước ta nhập khẩu hơn 253 tỷ USD, thì có tới hơn 75 tỷ USD là nhập từ Trung Quốc. Trong đó, nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp như máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc đứng vị trí số 1 với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15 tỷ USD. Chính vì vậy, ngay sau khi dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc thì cũng là lúc hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Ông Đặng Văn Chung - Giám đốc nhà máy công ty TNHH Datalogic Việt Nam có trụ sở đặt tại Khu Công Nghệ Cao quận 9, TP.HCM cho biết ngay sau Tết Nguyên Đán thì nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn trong đó công ty vẫn chưa tìm được nhà cung cấp thay thế trong thời gian ngắn:

"Từ sau tết đến nay, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cung cấp cho công ty bị đóng băng. Hầu hết các nhà cung cấp nguyên liệu chưa hoạt động trở lại. Trong vài tuần nhà cung cấp vài ngày tới có thể sản xuất trở lại, nhưng hoạt động cầm chừng. Từ nay đến đầu tuần nếu họ không có nguyên liệu gì cung cấp cho mình thì mình công nhân nghỉ".

Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Thường trực Công ty TNHH YuKi Việt Nam có trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) cho cho biết hoạt động sản xuất của đơn vị mình diễn ra cầm chừng vì tuyến nhập khẩu nguyên liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc bị gián đoạn bởi lệnh cấm bay đến các sân bay Trung Quốc

"Các chuyến hàng không từ Trung Quốc về Việt Nam không thể bay được. Một số nhà sản xuất ở Trung Quốc cũng dời ngày nghỉ Tết từ 1-2 tuần do dịch bệnh. Nguồn cung hàng này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến công ty, nên nếu khách hàng yêu cầu giao hàng gấp thì chúng tôi phải điều đình thời gian giao hàng lại cho khách".

Chủng mới của virus Corona (COVID-19) cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp cách ly luôn con đường kinh doanh và sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa… khu vực phía Nam. Câu chuyện phụ thuộc vào nguyên liệu cũng như chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nước ta vốn đã khó lại càng thêm khó.

Báo cáo với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lãnh đạo Công ty Samsung Việt Nam cho biết ngay sau Tết Nguyên đán, số người lao động của công ty này trở lại làm việc đạt trên 98% - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 553 doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong lĩnh vực vận tải cũng đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu kém tích cực khi nhiều doanh nghiệp công bố mức giảm doanh thu kỷ lục chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng bùng phát dịch COVID-19. Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch hiệp hội taxi TPH.CM lưu ý:

"Đến thời điểm này, mức giảm bình quân so với trước Tết là khoảng 40%, cá biệt có những doanh nghiệp ghi nhận mức giảm đến 60% so với trước Tết. Tình trạng phương tiện trống khách là rất phổ biến, hầu như không có khách. Thậm chí có những xe cả ngày chỉ có 1 hoặc 2 cuốc khách. Chiều hướng kinh doanh đi xuống thế này chưa biết đến bao giờ mới dừng và phục hồi. Nếu tình trạng thu không đủ chi, doanh thu liên tục sụt giảm, hiệu quả hoạt động giảm sút kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp".

Trước những khó khăn chồng chất vì dịch Covid 19, các doanh nghiệp, Hiệp hội đã có những văn bản cầu cứu gửi đến Chính Phủ, các Bộ Ngành kiến nghị sớm có những giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh sa vào 1 kịch bản sụp đổ dây chuyền vì Covid 19. Đại diện cho các đơn vị thành viên, Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa- Cao su TPHCM bày tỏ:

"Trong tình hình này, hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn. Do đó đề nghị có hỗ trợ lãi suất hoặc có các gói vay dài hơn để doanh nghiệp có thể trữ hàng dài hơn, bớt đi những thiếu hụt, thiệt hại. Về lâu về dài vẫn lệ thuộc thị trường Trung Quốc chứ khó mà khác được. Bởi vì, sản lượng của họ lớn, giá cả cạnh tranh. Các thị trường khác không thể cạnh trang bằng thị trường Trung Quốc được".

Về phía hiệp hội taxi TPHCM, ông Tạ Long Hỷ đề xuất:

"Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên có những động thái chia sẻ với các doanh nghiệp nói chung và taxi nói riêng. Đầu tiên chúng tôi đề nghị xem xét giảm các loại thuế phí phù hợp. Tiếp theo chúng tôi đề nghị Ngân hàng nghiên cứu có chính sách giảm lãi vay hoặc giãn nợ đối với những khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp chưa thể thanh toán được để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại".

Theo tiến sỹ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành thì bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính Phủ và các Bộ ngành thì các doanh nghiệp cũng cần có những nỗ lực hơn nữa để duy trì sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn. Về lâu dài cần mở rộng tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường mới, hạn chế lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc:  

"Phải xác định dịch bệnh là trong ngắn hạn. Trước mắt là ngành nào cũng bị ảnh hưởng và ảnh hưởng toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam. Tất cả các giao dịch nước ngoài đều dè đặt. Cho nên là doanh nghiệp phải cố gắng tạo cho mình tiềm lực tốt. Để khi dịch bệnh xảy ra thì mình có nội lực để xoay sở, tồn tại được".

Hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp trước trong và sau dịch Covid 19

Nhiều DN đang tìm cách thay đổi thị trường, chuyển hướng sản xuất để chống chọi với tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh: ST.
Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách thay đổi thị trường, chuyển hướng sản xuất để chống chọi với tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh: ST.

Như nhận định của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới thì nước ta đang đi đúng hướng trong trận chiến đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid 19. Những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch phần nào cho thấy hiệu quả từ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị với Quyết lệnh “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bên cạnh việc tập trung chống dịch, người đứng đầu Chính phủ mới đây cũng lưu ý các Bộ ngành, địa phương cũng cần có những phản ứng nhanh để bù đắp những giảm sút do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế nước nhà.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ dịch Covid 19 vì chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nước ta đều phụ thuộc, lớn nguồn khách, nguyên phụ liệu, vật tư, phụ tùng…nhập khẩu từ quốc gia láng giềng phía Bắc nên khi dịch Covid 19 bùng nổ gây tê liệt nền kinh tế Trung Quốc đã trực tiếp làm suy yếu hoạt động sản xuất kinh doanh nước nhà.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp, ngành nghề đang gặp phải trong dịch Covid 19 lần này Chính Phủ đã có những sách lược cụ thể như không nới lỏng chính sách tiền tệ, yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí logictis và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu. Từ chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ…cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid 19.

Không chỉ vậy Bộ Tài Chính cùng các bộ ngành khác cần sớm tham mưu cho Chính Phủ những chính sách miễn giảm thuế phí cho đến khi dịch bệnh được công bố chấm dứt, thị trường hồi phục. Nếu cần thiết nên có chính sách miễn, giảm thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, bảo quản hàng hóa, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch. Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Kế Hoạch Đầu Tư cần sớm nghiên cứu, kịp thời tính toán các phương án nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường khác để hỗ trợ sản xuất trong nước, không để các chuỗi sản xuất gián đoạn hay ngưng trệ vì quá phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc.

Ở một khía cạnh khác, dịch Covid 19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình bằng việc tái cơ cấu bộ máy, tích cực tìm kiếm thị trường lẫn nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường dẫn đến bị động khi xảy ra tình huống bất khả kháng.

Chỉ có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính Phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các Bộ ngành địa phương cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước thì dịch Covid 19 mới có thể sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó mới có nhanh chóng được hồi phục.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Go Top